CÔNG TY TNHH MTV

TỔNG CÔNG TY CAO SU ĐỒNG NAI

Menu

Tin Tức

Tăng giảm liên quan cổ phiếu khu công nghiệp

CSVN – Cổ phiếu GVR của Tập đoàn CN CSVN có diễn biến cùng chiều với những cổ phiếu (CP) thuộc nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp.

          Điều này cũng dễ hiểu, khi mà lý do tăng chính của cổ phiếu này giai đoạn trước cũng đến từ yếu tố sở hữu nhiều công ty con, công ty liên doanh liên kết và bản thân Tập đoàn đang sở hữu, quản lý, sử dụng hàng ngàn hecta đất khu công nghiệp.

          Không khó để thấy xu hướng thị giá CP cao su giảm đáng kể so với mức đỉnh, dù rằng thanh khoản ở nhiều CP khá thấp, nhưng cả ngành cùng đi xuống là hiện tượng đáng chú ý.

          Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhóm CP cao su thiên nhiên có được điểm cộng nhờ giá cao su tại hầu hết các sàn giao dịch có xu hướng tăng trưởng lại, khi mà thương chiến Mỹ – Trung tạm lắng. Ở thị trường Việt Nam, ghi nhận đến cuối quý I/2019, giá các loại cao su thành phẩm đều tăng trưởng 2 con số so với cuối năm 2018. Do vậy, một số CP cao su thiên nhiên như PHR, DPR có diễn biến tích cực.

          Nhưng khi cuộc chiến Mỹ – Trung nóng trở lại, lo ngại về dư thừa nguồn cung đẩy giá cao su thành phẩm tại Việt Nam bắt đầu rơi. Đến tháng 8, giá cao su đã rơi xuống mức rất thấp trong 3 quý gần nhất. Trái ngược với diễn biến ở trên, rõ ràng, đây là diễn biến không tích cực với nhà đầu tư nhóm ngành này. Tuy nhiên, có thêm một diễn biến đáng chú ý khác, ngoài những CP cao su giảm thuần do ảnh hưởng chung trong ngành, thì còn có những CP bị điều chỉnh giảm mạnh hơn – đó là những doanh nghiệp có khu công nghiệp như PHR, GVR, DPR…Ở các DN này, kế hoạch mở rộng bất động sản khu công nghiệp đã rõ ràng. PHR dự kiến tái cơ cấu diện tích vườn cây, đẩy mạnh thanh lý gỗ cây cao su và phát triển bất động sản KCN.

          DPR cũng đầu tư mở rộng 610 ha khu công nghiệp; HRC hợp tác cùng Becamex đầu tư dự án KCN quy mô 2.000ha tại Bà Rịa – Vũng Tàu; Còn Tập đoàn CN CSVN – công ty mẹ của PHR, DPR, HRC – đang tham gia đầu tư 17 KCN, trong đó quản lý trực tiếp 12 KCN, tổng diện tích lên đến 6.000 ha.

          Quỹ đất của các doanh nghiệp cao su hiện nay tập trung nhiều ở những khu vực trọng điểm và có vị trí đắc địa (như Bình Dương, Tây Ninh,…). Theo Tập đoàn CN CSVN, các KCN của Tập đoàn có quy mô lớn, giá đền bù thấp, chi phí đầu tư thấp và giá cho thuê lại đang tăng theo làn sóng đầu tư nước ngoài. Tập đoàn dự kiến không mở rộng diện tích trồng mới cao su. Đáng chú ý, theo Báo cáo tài chính năm của Tập đoàn, sẽ sử dụng 1.000 ha diện tích cao su tiếp tục chuyển đổi mục đích sử dụng trong năm 2019.

          Đối với CP GVR, còn có một tác động khác, là  sở hữu nhiều doanh nghiệp có bất động sản KCN tăng tốt, nên khi nhóm này giảm, GVR dĩ nhiên bị giảm theo. Đáng chú ý nhất là diễn biến tăng nóng của CP SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG từ khi lên Upcom. Từ mức giá tham chiếu 17.200 đồng/CP trong phiên chào sàn, CP này đã có nhiều phiên tăng trần liên tục và lập đỉnh ở mức giá 136.000 đồng/CP, tăng tới 7 lần mức giá chào sàn.

          Thị giá CP SIP bắt đầu điều chỉnh theo nhịp giảm của nhóm CP khu công nghiệp, nhưng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 16-20/9 vẫn ở trên mốc 100.000 đồng/CP.

THIÊN ÁI - Tạp chí Cao su

Ảnh và tổng hợp: Hoàng Long

backtop